CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG CHO PHỤ NỮ MANG THAI

CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG CHO PHỤ NỮ MANG THAI

03/12/2022

     1. Vì sao phụ nữ mang thai nên được chăm sóc răng miệng?

Sức khỏe răng miệng là một trong những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống con người. Một tình trạng răng miệng tồi tệ với những cơn đau răng, tình trạng chảy máu nướu, hôi miệng, mất răng có thể khiến việc ăn nhai, ngủ nghỉ, nói chuyện, giao tiếp xã hội thường ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Đối với phụ nữ mang thai, sức khỏe toàn thân nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng còn quan trọng hơn vì đây là giai đoạn nhạy cảm đối với mỗi người phụ nữ, sức khỏe của người mẹ giờ đây còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống và phát triển của đứa trẻ trong bụng. Do đó, phụ nữ mang thai càng cần được chăm sóc răng miệng một cách cẩn thận để có thể đảm bảo một thai kì khỏe mạnh.

 

      2. Các vấn đề về răng miệng có thể gặp phải khi mang thai

Phụ nữ khi mang thai sẽ trải qua nhiều thay đổi về sinh lý và tâm lý, thay đổi về hoocmon cũng như hệ thống miễn dịch. Những thay đổi này dẫn đến sự thay đổi ở mạch máu mô nha chu. Tỷ lệ bệnh viêm nướu và viêm nha chu nhìn chung tăng trong giai đoạn thai kì do sự gia tăng estrogen và progesteron làm tăng phản ứng viêm, thay đổi mô nướu. Bệnh nha chu có thể làm gia tăng các chất trung gian gây viêm như cytokine, prostaglandin, interleukin, yếu tố hoại tử khối u và nội độc tố là nguyên nhân tiềm ẩn của sinh non và hạn chế sự phát triển của thai nhi.
Tình trạng ốm nghén của thai phụ có thể khiến răng bị mòn do tác động của acid từ dạ dày. Các vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất thường là mặt trong răng cửa hàm trên và răng nanh.
U hạt sinh mủ cũng là một tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai, có thể là do sự thay đổi về hoocmon, sự hiện diện các yếu tố kích thích hoặc chấn thương vật lý. Tuy nhiên, tổn thương này thường tự hết và không cần điều trị, trừ trường hợp u lớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sinh hoạt và có chảy máu dai dẳng.
Ngoài ra, sự thay đổi về chế độ ăn của phụ nữ mang thai: tăng tiêu thụ cacbonhydrate, thường xuyên ăn vặt và chia nhỏ bữa ăn trong ngày làm gia tăng mảng bám tích tụ trên răng, giảm pH môi trường miệng khiến men răng mất khoáng và tạo điều kiện cho vi khuẩn trong miệng hoạt động gây sâu răng. Tình trạng sâu răng có thể dẫn đến các cơn đau răng cấp hoặc mạn tính và nhiễm trùng, gây ảnh hưởng đến thai kì, có thể đe dọa đến tính mạng.

 

   

                                 U hạt sinh mủ                                                                                 Viêm nướu thai kì

 

3. Chăm sóc răng miệng cho phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kì (tam cá nguyệt thứ nhất)

   Các điều trị nha khoa trong giai đoạn này rất hạn chế vì đây là thời gian quan trọng nhất của thai kì. Đây là khoảng thời gian hình thành các cơ quan của thai nhi và đa số các trường hợp xảy thai tự nhiên đều xảy ra trong thời gian này. Phụ nữ mang thai trong giai đoạn này khi đến với phòng khám nha khoa thường được tư vấn về các thay đổi về tình trạng răng miệng khi mang thai, hướng dẫn vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám. Trong một số trường hợp khẩn cấp nguy hiểm đến tính mạng (VD: xuất huyết trong miệng, chấn thương), thai phụ sẽ được điều trị cấp cứu khẩn cấp, hoặc được điều trị trong các trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng (VD: áp xe răng, viêm tủy không hồi phục có triệu chứng). Tất cả các điều trị có thể trì hoãn sẽ được hoãn lại đến khi phụ nữ bước vào 3 tháng giữa của thai kì. Thai phụ sẽ không được chỉ định chụp phim tia X trừ khi thật sự cần thiết. Các cuộc hẹn nha khoa sẽ được sắp xếp, tránh hẹn vào buổi sáng vì phụ nữ mang thai thường bị ốm nghén trong thời gian này.

 

Phụ nữ mang thai sẽ được tư vấn sức khỏe răng miệng khi đến phòng khám

 

 

  4. Chăm sóc răng miệng cho phụ nữ trong 3 tháng giữa thai kì (tam cá nguyệt thứ hai)

      Đây là thời điểm điều trị nha khoa an toàn và được ưu tiên để điều trị trong suốt thời gian thai kì. Vào thời điểm này, quá trình hình thành các cơ quan của thai nhi đã diễn ra hoàn chỉnh, ít có nguy cơ sảy thai tự nhiên và thai còn nhỏ sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình điều trị. Phụ nữ mang thai trong giai đoạn này vẫn được tư vấn và hướng dẫn vệ sinh răng miệng, kiểm soát mảng bám vôi răng, lấy vôi răng, nạo túi nha chu; ngoài ra còn có thể tiến hành các điều trị tùy chọn như nội nha, nhổ răng, phục hình, và điều trị các bệnh răng miệng đang hoạt động (nếu có). Chụp phim tia X vẫn sẽ không được chỉ định trừ khi thật sự cần thiết.

 

                                                                        Lấy vôi cho phụ nữ mang thai

 

 5. Chăm sóc răng miệng cho phụ nữ trong 3 tháng cuối thai kì (tam cá nguyệt thứ ba)

     Vào thời điểm này, thai nhi đã lớn và hầu như không còn nguy hiểm, tuy nhiên điều trị nha khoa trong giai đoạn này có thể gặp nhiều khó khăn do thai nhi đã lớn khiến người mẹ cảm thấy khó chịu hơn so với các giai đoạn trước của thai kì. Nên sắp xếp các buổi hẹn ngắn. Phụ nữ mang thai trong thời gian này vẫn sẽ được hướng dẫn vệ sinh răng miệng, kiểm soát mảng bám và được điều trị lấy vôi nếu cần. Các điều trị nha khoa có thể được thực hiện an toàn trong tháng thứ 7 của thai kì, tuy nhiên nên tránh điều trị kể từ tháng thứ 8 và trì hoãn đến sau khi sinh (nếu có thể). Chụp phim tia X vẫn sẽ không được chỉ định trừ khi thật sự cần thiết.

 

  6. Kết luận

     Sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân vốn có mối liên hệ mật thiết, nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe răng miệng sẽ giúp phụ nữ mang thai đảm bảo đucợ một thai kì khỏe mạnh và an toàn hơn. Việc điều trị nha khoa trong thai kì thường khó khăn và có nhiều hạn chế, các bạn nữ có kế hoạch mang thai nên đi khám sức khỏe răng miệng trước để được tư vấn và điều trị trước khi mang thai để chuẩn bị tốt cho một thai kì khỏe mạnh, và thường xuyên thăm khám trong thai kì để duy trì sức khỏe răng miệng ở trạng thái tốt nhất.

Bài viết liên quan
» VÔI RĂNG (03/12/2022)
Zalo