NHA KHOA PHÒNG NGỪA
31/10/2020Bảo vệ răng là một công việc suốt đời. Sự ngăn ngừa và phát hiện sớm là chìa khóa trong việc tránh điều trị răng tốn kém và đau đớn trong tương lai. Sự ngăn ngừa bắt đầu với việc lấy vôi răng, nguyên nhân chính gây sâu răng và chứng bệnh về nướu.
Bước quan trọng nhất để duy trì sức khỏe răng miệng và ngăn ngừa sâu răng là chải răng đúng cách cộng với một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng kết hợp lối sống lành mạnh.
I. KHÁM RĂNG:
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề của đội ngũ Y, Bác Sĩ sẽ thăm khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng của bệnh nhân một cách tốt nhất và toàn diện nhất.
II. LẤY VÔI RĂNG:
Vôi răng là những mảng bám có màu vàng hoặc màu nâu ở kẽ răng, chân răng và dưới nướu.
Vôi răng được hình thành do những mảnh vụn thức ăn còn bám lại trên răng không được vệ sinh lâu ngày bị khoáng hóa trở thành vôi.
Quá trình chăm sóc răng miệng rất quan trọng đối với chúng ta. Nếu làm không kỹ lưỡng có thể gây ra bệnh răng miệng như: sâu răng, bệnh nha chu, hôi miệng…nhưng không phải tất cả mọi người đều làm tốt và đúng cách.
Vì chúng ta chỉ chú ý vệ sinh răng miệng hàng ngày nhưng vẫn còn nhiều người không quan tâm tới việc lấy vôi răng.
Vôi răng là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh hôi miệng và bệnh viêm nha chu với những biểu hiện như nướu sưng đỏ, dễ chảy máu, chảy mủ, tụt nướu, tiêu xương ổ răng, làm răng dài ra và lung lay, cuối cùng có thể dẫn đến rụng răng. Do đó lấy vôi răng thường xuyên là 1 điều nên làm 6 tháng 1 lần.
Thông thường nên đi lấy vôi răng và đánh bóng răng 6 tháng một lần, ngoại trừ những trường hợp bệnh nhân bị bệnh nha chu nặng thì có thể cạo 3 tháng một lần, tùy theo chỉ định của nhà chuyên môn. Nếu chải răng đúng phương pháp và đúng thời điểm, vôi hình thành ít hơn thì chỉ cần lấy vôi răng một lần mỗi năm.
Không nên đợi có vôi răng mới đi lấy vôi răng, vì khi vôi răng hình thành thì nó đã gây ra tổn thương và để lại hậu quả nặng nề không thể hồi phục.
Một số lưu ý trong chăm sóc, vệ sinh răng miệng sau khi lấy vôi răng:
– Chải răng sau khi ăn 30 phút và trước khi đi ngủ. Khi chải răng, lưu ý chải theo chiều dọc của chân răng, giúp làm sạch được mảng bám đọng lại trên vùng kẽ giữa hai răng. Việc chải theo chiều ngang sẽ làm mòn cổ răng.
– Hạn chế thức ăn đường, bột và thức ăn có đặc tính dính, dễ bám trên bề mặt răng.
– Khám răng định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm những bệnh răng miệng mới khởi phát và những lệch lạc để có biện pháp can thiệp.
III. TRÁM RĂNG PHÒNG NGỪA:
Trên bề mặt của răng có các hố rãnh tự nhiên. Khi các hố rãnh này sâu và hẹp thì việc chải sạch răng sẽ khó khăn, thức ăn và vi khuẩn đọng lại trong các hố rãnh tạo thành axit phá hủy răng là nguyên nhân hình thành nên các lỗ sâu răng. Sealant trám bít hố rãnh là 1 biện pháp phòng ngừa sâu răng.
Các hố rãnh tự nhiên trên bề mặt răng được phủ 1 lớp sealant, tác dụng như lớp bảo vệ giúp răng dễ dàng được làm sạch, không có sự tồn đọng của thức ăn và vi khuẩn, vì thế không bị sâu răng. Phương pháp trám bít hố rãnh rất đơn giản, hoàn toàn không gây đau, thời gian để thực hiện chỉ mất 1 vài phút cho mỗi răng. Chất trám sealant có thể chịu lực nhai tốt và lâu bền trong nhiều năm trước khi cần trám lại lần khác.
Sealant trám bít hố rãnh là 1 biện pháp an toàn, ít tốn kém, nhưng rất hiệu quả trong việc phòng ngừa sâu răng. Phương pháp này được áp dụng cho trẻ em và người lớn.