PHẪU THUẬT RĂNG MIỆNG VÀ IMPLANT NHA KHOA
31/10/2020Implant nha khoa là giải pháp mang tính cách mạng cho bệnh nhân bị mất răng lâu năm, đặc biệt là các bệnh nhân bị tiêu xương hàm, xương hàm mỏng, yếu, không thể khắc phục bằng những phương pháp truyền thống.

I. Phẫu thuật đặt implant
Implant nha khoa là kỹ thuật đặt trụ chân răng (fixture) gắn chặt vào xương hàm để thay thế chân răng đã mất. Khi xương đã tích hợp vào bề mặt implant, bác sĩ tiến hành làm răng sứ hoặc cầu răng lên trên, đảm bảo chúng không bị trượt hay dịch chuyển trong miệng.
Răng trên implant có cấu trúc tương tự như răng thật, đầy đủ 3 phần:
1. Trụ chân răng (fixture): được làm từ titanium, dạng hình trụ thuôn dần, có chức năng như một chân răng, với bề mặt nhám hoặc mịn, giúp tích hợp xương nhanh chóng.
2. Abutment: được tạo nên từ hợp kim hoặc sứ, kết nối fixture trong xương hàm và mão răng sứ bên trên thành một thể thống nhất. Abutment chỉ được gắn cố định khi đã có sự tích hợp chắc chắn giữa xương hàm và bề mặt ngoài của fixture.
3. Thân răng sứ: là mão răng có lõi rỗng được thiết kế để úp vừa khít vào abutment đã gắn chặt với fixture trong xương hàm. Phục hình implant nha khoa có các loại răng sứ phổ biến như: răng toàn sứ, răng sứ kim loại (kim loại thường dùng Ni-Cr hoặc Co-Cr, kim loại quý như vàng, platin hay paladium…).
II. Ghép xương
Ghép xương trong phẫu thuật implant là kỹ thuật bắt buộc trong một số trường hợp, nhằm bổ sung, tái tạo phần xương ổ răng đã mất, tăng thể tích xương hàm, tạo đủ điều kiện để tích hợp và nâng đỡ fixture.
Ghép xương trong phẫu thuật implant có thể được thực hiện trước hoặc ngay khi đặt fixture, nhằm đảm bảo đủ mật độ và thể tích xương tối ưu cho implant.
III. Tiểu phẫu răng khôn
Răng khôn là răng mọc cuối cùng trên cung hàm. Những răng khôn mọc bất thường gây bệnh lý càn được nhổ bỏ để phòng tránh được những biến chứng không hề mong muốn.Vậy quy trình nhổ răng khôn như thế nào?
Quy trình phẫu thuật răng khôn
Phẫu thuật răng khôn là tiểu phẫu để lấy răng khỏi hàm. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật nhổ răng khó do các vấn đề phức tạp đi kèm. Quy trình phẫu thuật răng khôn thông thường được bác sĩ chuyên khoa thực hiện với thứ tự như sau:
Bước 1: Khám và tư vấn
Ở bước này bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa khám trên miệng và xem phim để xác định tình trạng. Mức độ mọc lệch, mọc ngầm, mọc bất thường để lập kế hoạch điều trị.
Bước 2: Tiểu phẫu
Vệ sinh răng miệng bằng dung dịch khử khuẩn. Sau đó bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây tê. Răng khôn kẹt/ ngầm được bộc lộ bằng cách mở xương. Trong trường hợp phức tạp, răng sẽ được chia cắt thành nhiều phần nhằm hạn chế tổn thương và mở xương ổ răng được bơm rửa vệ sinh kỹ; có thể đặt vật liệu cầm máu, tiểu cầu cô đặc hoặc xương ghép khi có chỉ định trước khi khâu đóng.
Bước 3: Dặn dò sinh hoạt và dùng thuốc, không cần tái khám
Bước 4: Điều trị các vấn đề nha khoa như: trám răng, chữa tủy, làm răng sứ cho răng kế cận (nếu cần)
Trong một số trường hợp răng khôn mọc kẹt sẽ gây sâu lớn, phá hủy cấu trúc răng cối lớn 2 liền kề: sẽ cần điều trị tiếp theo.
IV. Phẫu thuật cắt chóp, nạo nang
Phẫu thuật cắt chóp răng được thực hiện để loại bỏ phần chóp răng và mô bị viêm nhiễm xung quanh. Chỉ định phẫu thuật cắt chóp bao gồm các trường hợp:
1. Viêm, nhiễm trùng vùng quanh chóp
2. Điều trị nội nha thất bại như: ống tủy bị canxi hóa, bị cong, còn mang chốt...
3. U hạt quanh chóp
V. Phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt (CHHM)
Phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt được thực hiện để điều trị các sai hình hàm mặt phổ biến như: hô móm quá mức, hô kèm hở lợi nặng, hô móm lệch hàm hay gương mặt bất cân xứng bằng cách tác động cấu trúc và tương quan xương hàm mặt. Ngoài ra khớp cắn cũng được điều chỉnh qua quá trình chỉnh hình răng sau đó. Cần khám kỹ, lên kế hoạch chi tiết cho điều trị liên chuyên khoa lâu dài.